Mua linh kiện máy tính cũ để nâng cấp máy tính hoặc thay thế linh kiện hỏng là một lựa chọn khá kinh tế trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên việc lựa chọn linh kiện sao cho đúng cách, vừa bảo đảm giá tốt nhất và linh kiện bền nhất lại là một điều không dễ. Bài viết này sẽ giúp bạn một vài lời khuyên trong quá trình chọn mua linh kiện secondhand.
1. Nguyên tắc chung khi mua linh kiện cũ:
– Phải bảo đảm bên bán sẽ bảo hành tối thiểu 1 tháng. Hạn chế mua các linh kiện chỉ “bao test” 3-7 ngày. Vì bản thân linh kiện cũ nên sẽ dễ phát sinh lỗi, có thể sau khi dùng 7 ngày thì ổn định, nhưng ngày thứ 8 linh kiện mới hư thì coi như bạn “tiền mất tật mang”.
– Nên mua bán tại nhà, tại cửa hàng, giữ lại phiếu bán hàng hoặc biên nhận nếu có. Thời điểm hiện tại chỉ cần lên một số website rao vặt, mua bán như 5giay, muaban, chotot… bạn dễ dàng tìm thấy hàng trăm thậm chí hàng ngàn người rao bán linh kiện cũ, tuy nhiên làm sao biết chắc trong số đó đều là những người làm ăn uy tín, cách tốt nhất bạn nên giao dịch tại địa điểm cố định, xin số điện thoại… phòng khi linh kiện trục trặc thì bạn còn tìm được người bán để yêu cầu thay thể, đổi trả…
– Quan sát thật kỹ bề ngoài, yêu cầu gắn linh kiện để kiểm tra ngay khi mua. Nếu linh kiện đã qua sửa chữa, thì tốt nhất không nên mua, cho dù có được bảo hành thì bạn cũng có nguy cơ phải chạy đi chạy lại rất tốn thời gian. Bên cạnh đó, nên test ngay linh kiện trước khi trả tiền, điều này đảm bảo tránh xảy ra tranh cãi khi mua linh kiện về nhưng không dùng được.
– Nên tham khảo kỹ thông số linh kiện trước khi mua. Bảo đảm linh kiện đó sẽ tương thích với các linh kiện còn lại của bạn. Hạn chế trường hợp cháy nổ, chập mạch dẫn đến linh kiện sẽ không được bảo hành nữa.
– Gắn ngay linh kiện và thường xuyên sử dụng sau khi đã mua. Việc này giúp bạn bảo đảm linh kiện còn dùng tốt, thời gian bảo hành 1 tháng là rất ngắn, hãy cố gắng dùng thật nhiều để chắc chắn linh kiện không bị lỗi dù là nhỏ nhất.
– Nên mua linh kiện của những hãng nổi tiếng. Dù là hàng cũ nhưng dù sao thương hiệu cũng khẳng định độ bền của linh kiện tương ứng, hãy cố gắng chọn những linh kiện của những nhà sản xuất có tên tuổi, đừng ham rẻ mà lấy những món có thông số tương đương nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
2. Nguyên tắc cho từng món linh kiện cụ thể:
A. Ổ cứng – HDD:
Đối với ổ cứng máy tính, bạn nên tiến hành kiểm tra ngay số Serial trên trang chủ của hãng. Dù không còn bảo hành nhưng nó sẽ giúp cho bạn chắc chắn là hàng chính hãng, không phải hàng đã sửa chữa, thay thế linh kiện, đổi nhãn mác.
Sau đó hãy tiến hành quét bad bằng công cụ HDD Regenerator trong đĩa Hiren Boot. Nên quét ở chế độ kiểm tra chứ không Fix, nếu xuất hiện bad, hãy yêu cầu người bán đổi ngay ổ khác cho mình, vì ổ đã bad thì tuổi thọ còn lại rất ngắn
B. RAM
Nên chọn RAM của các hãng như Kingmax, Kingston, Transcend. Hạn chế mua RAM không nhãn hiệu. Sau khi mua về nên gắn ngay và đưa vào sử dụng. Đồng thời dùng một số công cụ – phần mềm để test ngay toàn bộ RAM.
C. Mainboard – Bo mạch chủ:
Quan sát tổng thể mainboard, không mua những main đã có dấu hiệu hàn chì hay sửa chữa. Những main bị cong vênh cũng không nên mua. Nếu có thể hãy yêu cầu người bán đưa cho bạn “miếng Fe” (miếng kim loại che ở các cổng phía sau main) kèm theo của main.
Dùng giấy che bề mặt socket gắn chip CPU, đảm bảo không bị cong hoặc gãy chân socket lúc vận chuyển sau khi mua main.
Tương tự RAM, cũng nên mua của các hãng nổi tiếng như Gigabyte, Asus, Intel… Hạn chế mua các main có nguồn gốc Trung Quốc.
D. Chip vi xử lý – CPU:
Kiểm tra mặt tiếp xúc với socket không bị trầy xước, mặt trên còn đầy đủ thông tin là được, CPU là một món linh kiện có độ bền tương đối cao trong một thùng máy, rất ít khi hỏng hóc.
E. Các loại card (màn hình, âm thanh, mạng…):
Sau khi mua nên tiến hành gắn vào và sử dụng ngay, Đối với card âm thanh nên test tất cả các jack cắm, bảo đảm còn dùng tốt. Card màn hình thì sau khi đã cài đầy đủ driver hãy tải ngay (hoặc xem online) một vài clip, phim ảnh hay video nhạc ở độ phân giải HD 720p, nếu không bị giật hoặc đứng hình thì ổn.
Bảo đảm phần chân cắm không trầy xước hoặc rỉ sét
F. Bộ nguồn, thùng máy, chuột, bàn phím:
Những linh kiện này tương đối rẻ ngay cả khi bạn mua mới, do đó khi mua cũ cũng không cần phải quá kỹ càng.
– Chuột: thử di chuyển khắp màn hình, không bị khựng, đơ là ổn
– Bàn phím: Mở trình gõ văn bản, thử sử dụng tất cả các phím, chọn bàn phím còn rõ chữ, gõ không quá cứng tay.
– Nguồn: xem hệ thống dây bảo đảm không đứt, các đầu tiếp xúc không bị rỉ sét
– Thùng máy: bề ngoài không quá trầy xước, các cổng USB, âm thanh ở mặt trước còn tốt, các nút reset, power bấm vào không bị kẹt.
G. Ổ CD/DVD:
– Kiểm tra khay đẩy đĩa ra vào còn trơn tru, không bị kẹt. Dùng một đĩa phim hay đĩa ca nhạc, xem hết đĩa mà không bị vấn đề gì là ổn.
– Đối với ổ ghi (RW-Rewrite) nên ghi thử một số đĩa nếu có thể.
Hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho bạn đọc trong quá trình lựa chọn linh kiện cũ, giúp bạn có được một dàn máy cấu hình ổn mà không quá tốn kém. Cảm ơn bạn đã theo dõi
CÔNG TY TNHH MÁY TÍNH HỮU PHÚC
ĐC: 34 Hoàng Thị Loan - Tp. Vinh - Nghệ An | Hotline: 0983.752.357
Website: www.huuphuc.net - Email: maytinhhuuphuc@gmail.com